Tìm kiếm

11 tháng 4, 2012

Quân ca !

(Trích nguồn Nguyễn Văn Vinh – www.qdnd.vn)

Ca khúc “Vì nhân dân quên mình” được coi là “Quân ca”, ca khúc được dùng làm nhạc hiệu của Chương trình phát thanh quân đội và chương trình truyền hình quân đội. Ca khúc đã được tặng giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam từ năm 1952. Doãn Quang Khải sáng tác bài “Vì nhân dân quên mình” ngày ấy trong 3 giờ liền từ 9 giờ tối đến 12 giờ khuya năm 1951 khi anh đang là một học viên Trường sĩ quan Lục quân. Bài hát ra đời đến nay đã có sức sống hơn một nửa thế kỷ và vẫn là một ca khúc có giá trị về nghệ thuật tư tưởng, tình cảm đối với các thế hệ thanh niên, đặc biệt là thế hệ các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Tác giả đã tâm sự: “Khi tôi viết bài hát “Vì nhân dân quên mình” hoàn toàn không phải có ý định “lưu danh” mà chỉ để ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi những người con vĩ đại của Người, đó là những anh bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ không sợ hy sinh gian khổ, chiến đấu với quân thù tàn bạo, chỉ thế thôi, hoàn toàn không có ý nghĩ gì khác”.

Doãn Quang Khải quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Doãn Quang Khải là một chiến sĩ Tây Tiến ngay từ sau ngày anh cùng đơn vị ở mặt trận Hà Nội năm 1946, đến đầu năm 1947 anh cùng đơn vị rút quân ra Xuân Mai tập kết để lên đường Tây Tiến. Miền Tây bao la hùng vĩ và cũng đầy những gian lao ác liệt với tuổi đời ngoài 20 lúc ấy, Doãn Quang Khải đến với Tây Tiến với nhiều cảm xúc mới lạ trước thiên nhiên kỳ vĩ là những con người hiền lành chân chất, những bà mế, những cô gái Mường và cảnh sắc thiên nhiên đã đem đến cho Doãn Quang Khải một tâm hồn mới. Anh tâm sự: “Chúng tôi đến với đất Mường lại được thấy Tổ quốc ta không chỉ là đồng bằng thẳng cánh cò bay, mà còn là rừng xanh, núi cao trập trùng, có những cô sơn nữ khăn trắng áo lam thắt lưng màu hoa Lý. Tổ quốc ta ở xứ Mường này thật đậm chất Văn Lang người Việt Cổ nhưng cũng ở đây, chúng tôi hiểu thêm thế nào là chiến đấu, tức là tôi đã đi từ lãng mạn đến hiện thực. Phải là ở Tây Tiến tôi mới thực sự hiểu chiến đấu, mới được nhìn thấy quân thù lọt vào trận địa phục kích của ta, mới thực sự thấy quân thù chĩa súng về phía ta, mới cảm nhận biết bao khó khăn, gian khổ của một trận đánh”. Ca khúc “Vì nhân dân quên mình” trong thời đại mới đã lan tỏa nhiều nơi từ Bắc đến Nam. Một đoàn đại biểu của ta sang thăm Nhật Bản, tìm hiểu và nhận biết các chính sách của Nhật đối với khu vực Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Một kỷ niệm sâu sắc là khi đến IWATE, cách thủ đô TOKYO của Nhật Bản 500km về phía Bắc, đây là một vùng lâu nay ít có quan hệ tiếp xúc với các đoàn của ta, ít thông tin về Việt Nam, thế mà trong một buổi tối chiêu đãi tại khách sạn Anekkusu, đoàn Việt Nam có 5 người nhưng phía bạn có 200 người, hầu hết là đại biểu nhân dân và các đoàn thể. Sau vài phút xã giao, tất cả hơn 200 người cùng đồng thanh hát bài “Vì nhân dân quên mình” bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Nhật Bản. Đấy là một nước có hệ thống thông tin hiện đại, một dân tộc yêu âm nhạc nên họ có đầy đủ những tư liệu cần thiết về âm nhạc qua sự giao lưu văn hóa. Tại sao họ lại chọn bài hát “Vì nhân dân quên mình”. Cất cao lời ca, các bạn Nhật đã yêu mến kính phục Quân đội nhân dân Việt Nam và chính là họ vẫn muốn gặp lại một Việt Nam của thế hệ Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét