Tìm kiếm

24 tháng 4, 2014

Phân biệt các định chế tài chính

Các nước nghèo gọi những tổ chức này là công cụ tài chính của chủ nghĩa tư bản để khống chế thế giới.

Nước rất nghèo, sau chiến tranh cần tái thiết như Việt Nam sau 1975, UN vào trước với tài trợ không hoàn lại. Dự án thường  từ vài trăm ngàn đô la tới vài triệu.

Một khi quốc gia “cất cánh” khỏi mặt đất vài mét, WB / ADB cho các đoàn vào và dụ dỗ cho vay vốn phát triển. Dự án lớn hàng chục triệu, đôi khi hàng tỷ đô la. WB/ADB đầu tư khu vực nhà nước nhằm phát triển hạ tầng, giáo dục, môi trường và gần đây là cải cách thể chế.
Vốn vay IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) trả lãi rất nhỏ (1-2%) và cần hoàn vốn sau 20-30 năm. Nếu là nước thu nhập trung bình (trên 1000$/người/năm) họ áp dụng vốn vay IBRD (Ngân hàng Quốc Tế về Tái Thiết và Phát triển), được nhiều hơn nhưng lãi suất cao hơn. Việt Nam đã được dùng vốn vay theo IBRD từ năm 2009.

Nếu như WB/ADB đầu tư cho chính phủ thì IFC (International Finance Corporation) lại bỏ tiền nhử tư nhân. Khách sạn Metropole ở Hà Nội hay Riverside ở Sài Gòn là ví dụ IFC đầu tư cho tư nhân tại Việt Nam.
Nếu UN, WB/ADB, IFC và nhiều các nhà tài trợ quốc tế khác giúp đỡ thành công thì quốc gia đó sẽ hưởng lợi lớn, thoát nghèo, thoát bẫy thu nhập trung bình và có thể trở thành giầu, có nhiều tiền cho các nước khác vay.
Nhật Bản vay vốn quốc tế thành công và nay là quốc gia đóng góp lớn cho các quốc gia nghèo khác phát triển.

Trong con mắt của WB/ADB và các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là tấm gương tốt trong sử dụng đồng vốn vay ODA so với rất nhiều các quốc gia nghèo khác.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam giảm thiểu tham nhũng, minh bạch hóa, thay đổi thể chế cho phù hợp với quốc gia thu nhập trung bình, chắc chắn lòng tin của các nhà tài trợ sẽ tăng lên gấp bội.

Đôi khi bóc ngắn cắn dài, chính sách tài chính tiền tệ sai, kể cả về chính trị có vấn đề, tham nhũng tràn lan, quốc gia đang từ con hổ kinh tế dễ thành mèo hoang, vớ được gì ăn nấy.

Khủng hoảng ở tầm quốc gia tới mức trầm trọng, có thể sụp đổ trong nháy mắt, IMF nhảy vào cứu với “cây gậy và củ cà rốt”, tiền tỷ cho vay kèm theo chính sách “bàn tay sắt”.

Cho vay nhằm cứu quốc gia nhưng phải thay đổi thể chế (không phải thay đổi chế độ chính trị). Để cứu  Indonesia, IMF chi mấy chục tỷ đô la, nhưng xứ toàn dân Đạo Hồi này phải thắt lưng buộc bụng, cải cách từ trên xuống. Dân chửi thấu trời, nhưng sau hơn chục năm thì người ta thừa nhận IMF đã đúng.

(trich từ nguồn Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét